Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam: Vấn đề cấp thiết
Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna and Flora International) ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều kiểu hệ sinh thái và loài. Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH), ở Việt Nam, có khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; 7.000 loài động vật không xương sống dưới biển, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Trong đó, nguồn tài nguyên động vật hoang dã (ĐVHD) là nguồn gien di truyền vô cùng quý giá với hàng triệu triệu năm hình thành, tích lũy.
Có thể nói, ĐDSH đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Nếu chúng ta biết quản lý, giám sát để sử dụng một cách bền vững thì đây chính là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch bền vững; là nền tảng của y dược truyền thống phương Đông; là ngân hàng gien vô cùng quý giá tạo giống vật nuôi, cây trồng, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Nguyên nhân suy giảm tài nguyên ĐDSH
Trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động; các hệ sinh thái bị thu hẹp, bị chia cắt và suy giảm chất lượng; nguồn gien bị thất thoát, mai một... Nguyên nhân của tình trạng này là do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại. Ngoài ra, công tác quản lý bảo tồn ĐDSH thời gian qua còn nhiều bất cập về quy định pháp luật, chính sách, thể chế và tổ chức bộ máy quản lý. Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa đồng bộ. Đối với vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật ĐDSH chưa đạt được sự thống nhất dẫn đến chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài.
Việc đầu tư kinh phí thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH cũng còn dàn trải, thiếu trọng điểm; công tác xã hội hóa về bảo tồn ĐDSH chưa được đẩy mạnh, ý thức bảo vệ ĐDSH của cộng đồng chưa cao. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong các giải pháp nhằm bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện…
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng không thể không nhắc đến dẫn đến việc suy giảm ĐDSH của Việt Nam là nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép.
Giải pháp
Để đưa công tác bảo tồn ÐDSH sớm đi vào nền nếp và đạt hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị ÐDSH cao ở Việt Nam.
Ðồng thời, các cơ quan chức năng phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò của công tác bảo tồn ÐDSH nói chung và các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm nói riêng. Tăng cường nguồn lực, năng lực cho công tác quản lý và thực thi pháp luật để bảo tồn hiệu quả tại chỗ và chuyển chỗ các loài nguy cấp; Xây dựng, mở rộng mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô, thể chế hóa các chiến dịch thay đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp; Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về bảo tồn loài; đồng thời, Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn loài;
Có thể nói, chưa bao giờ, cuộc chiến phòng, chống tội phạm về ĐVHD cần sự đồng lòng, chung tay góp sức của cả cộng đồng xã hội như lúc này./.